
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC - ỨNG DỤNG NỀN TẢNG SỐ TRONG HỖ TRỢ KẾT NỐI, TIÊU THỤ NÔNG SẢN VIỆT
Hưởng ứng tháng thanh niên với chủ đề "Tuổi trẻ sáng tạo", ngày 22/03/2022, Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bộ Công thương phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề về "TRUY XUẤT NGUỒN GỐC - ỨNG DỤNG NỀN TẢNG SỐ TRONG HỖ TRỢ KẾT NỐI, TIÊU THỤ NÔNG SẢN VIỆT” tại Hà Nội.
Trong hội thảo, các chuyên gia từ đơn vị quản lý nhà nước và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu về cách xây dựng, quản lý các hệ thống truy xuất nguồn gốc có khả năng liên thông với nhau, các ứng dụng để số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và xúc tiến thương mại với các thị trường trong và ngoài nước.
Mở đầu là chuyền đề về Vai trò của truy xuất nguồn gốc trong nâng cao giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu, câu chuyển quản lý, duy trì và giám sát mã số vùng trồng do ông Lê Nhật Thành, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo về thực vật trình bày. Theo chia sẻ của ông, việc quản lý, cấp mã số vùng trồng và đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc là điều rất cần thiết, nhằm nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Để giới thiệu rõ hơn về ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã giới thiệu về Hệ thống truy xuất nguồn gốc iTrace247 do Cục xúc tiến Thương mại phối hợp với tổ chức JIZ của Đức thiết kế và đã được triển khai cho các sản phẩm như mận Yên Châu, nhãn Hưng Yên, vải Lục Ngạn…Về vấn đề kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc cấp quốc gia, ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, hệ thống hiện nay chưa thống nhất do dữ liệu rời rạc, nhỏ lẻ. Thời gian tới, để đảm bảo thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc Quốc gia, ông cho rằng cần hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm, phát luật về Truy xuất nguồn gốc, kết nối Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc, thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau và cung cấp công cụ hỗ trợ doanh nghiệp số hóa chuỗi giá trị.
Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện thực tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại đưa nông sản Việt ra thế giới.
Bên lề hội thảo cũng diễn ra triển lãm số về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của hơn 40 đơn vị tại Việt Nam tại nền tảng Techfest24/7.
Xem lại hội thảo tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=-9uCCsguU88