
Bạn có tin những gì tìm thấy trên Internet?
Người dùng mạng thường hay có câu “Cái gì không biết thì tra Google” để cho thấy chúng ta đang ngày càng tin tưởng công cụ tìm kiếm này. Nhưng đã bao giờ chúng ta hoài nghi cái mà Google trả lại có đúng không và đúng bao nhiêu?
Cùng với Google, nhiều ứng dụng AI hiện nay cũng đang trở thành công cụ để người dùng tìm kiếm nhanh hơn, có chọn lọc hơn nhưng khi thông tin tràn lan, kiểm duyệt lỏng lẻo thì những kết quả trả về có thể không chính xác. Google chỉ là một công cụ tìm kiếm và cung cấp kết quả dựa trên các thuật toán và các trang web có sẵn trên Internet. Việc một trang web được đẩy lên đầu trang tìm kiếm là kết quả của quá trình Google thu thập thông tin và xác định sự phù hợp cho từ khóa người dùng đưa ra. Sự phù hợp đó có thể được đánh giá qua nhiều yếu tố như sự phản hồi của người dùng, liên kết từ các trang web khác hoặc độ tin cậy… Do đó, nếu một trang web đứng đầu trang thì có thể, nó được nhiều người từng truy cập trước đó mà không phải vì nó chính xác nhất.
Một khía cạnh nữa người dùng cần biết là Google cũng kinh doanh, họ bán các vị trí quảng cáo trên trang đầu tiên hoặc bất kỳ vị trí nào trên trang đầu tiên nên thông tin xuất hiện đầu tiên chưa chắc là đúng nhất.
Không chỉ Google chọn thông tin để tiếp cận người dùng, bản thân các trang web cũng tìm cách để thân thiện với các thuật toán của Google nhằm cải thiện vị trí xuất hiện trên trang kết quả. Bằng các thủ thuật, nhiều trang web sẽ được thiết kế, chỉnh sửa từ nội dung đến cấu trúc sao cho thuật toán của Google có thể tiếp cận nhanh nhất, tăng tính phù hợp, từ đó được chọn để hiển thị ở những vị trí đầu tiên.
Do đó, khi tiếp cận thông tin trên Google hoặc bất kỳ công cụ tìm kiếm nào khác, việc đánh giá và xem xét thông tin là rất quan trọng. Có rất nhiều chủ đề được tìm kiếm trên Google nhưng có những chủ đề nhạy cảm mà người dùng nên cẩn thận, bao gồm:
- Tin nóng: Việc sửa chữa, cắt ghép để phát tán thông tin là vô cùng dễ thực hiện. Sự lan truyền thông tin qua các mạng xã hội có thể đưa chúng tiếp cận đến rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn và gây nên các làn sóng dư luận.
- Thông tin y tế: Dịch Covid năm 2020 là một ví dụ cho thấy “bác sĩ Google” không thể thay thể bác sĩ chính quy. Mọi tư vấn tìm thấy trên mạng chỉ nên là các tham khảo, mỗi người có tình trạng khác nhau đòi hỏi phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế mới có thể đưa ra kết luận chính xác.
- Tư vấn tài chính: Google sẽ trả về rất nhiều kết quả tuy nhiên việc tin và làm theo thường không hiệu quả. Mặt khác, do có quá nhiều tư vấn sẽ khiến người dùng hoang mang, không thể quyết định hoặc quyết định sai lầm.
- Tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm khi nó là nguồn gốc cho xung đột và chiến tranh, việc bài trừ, chỉ trích một tôn giáo nào đó chỉ dựa vào các thông tin được cung cấp trên mạng có thể khiến người dùng rơi vào rắc rối.
Chắc chắn vẫn còn nhiều chủ đề chưa được đề cập đến, tuy nhiên, để tránh hoang mang trong “ma trận” kết quả, người dùng nên tiếp cận thông tin thận trọng hơn qua các cách sau:
- Sự đa dạng của nguồn thông tin: Google cung cấp hàng triệu kết quả tìm kiếm, và không phải tất cả đều có chất lượng và đáng tin cậy. Kiểm tra và so sánh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính toàn vẹn và độ tin cậy của thông tin.
- Xem xét nguồn gốc: Khi bạn tìm thấy thông tin trên Google, hãy kiểm tra nguồn gốc của nó. Xem liệu nó đến từ một trang web chính thống, tổ chức, hoặc nguồn tin đáng tin cậy hay không. Người viết và nguồn cấp thông tin cũng quan trọng để đánh giá tính khách quan và đáng tin cậy của thông tin.
- Đánh giá mức độ tin cậy: Xem xét mức độ tin cậy của thông tin bằng cách kiểm tra sự chính xác, sự nhất quán với các nguồn tin khác, và sự chuyên nghiệp trong việc trình bày thông tin. Kiểm tra lại các thông tin quan trọng hoặc có tính chất khoa học bằng cách tra cứu các nguồn chính thống, nghiên cứu hoặc các tạp chí khoa học.
-Cân nhắc quan điểm cá nhân và thông tin đa chiều: Khi tìm kiếm trên Google, bạn có thể gặp phải nhiều quan điểm và thông tin đa chiều. Hãy cân nhắc và phân tích thông tin này dựa trên mục đích và quan điểm cá nhân của bạn.
Cuối cùng, việc sử dụng Google và công cụ tìm kiếm khác là một phần quan trọng trong việc thu thập thông tin. Hãy luôn luôn đánh giá thông tin một cách cẩn thận và tỉnh táo để xác định tính tin cậy của chúng.